Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

Một thời nhớ mãi

Ảnh internet

MỘT THỜI NHỚ MÃI  Đọc “KỶ NIỆM VỀ MÁI TRƯỜNG XƯA”
của BÀNH THANH BẦN

“Kỷ niệm về mái trường xưa” là một trong những bài thơ tâm huyết của tác giả, nhà thơ Bành Thanh Bần, được thể hiện với tâm trạng – ký ức về mối tình thời trai trẻ. Tư tưởng chủ đạo là tình người xuyên thấm qua từng lớp sóng ngôn từ.
Chiến trang đã lùi sâu vào lịch sử. Cảm hứng viết về chiến tranh cũng thay đổi nhiều. Ở đây, Bành Thanh Bần không khai thác đề tài chiến tranh ở góc độ sử thi mà anh nhìn lịch sử như chất liệu xúc tác để làm thăng hoa cảm xúc nghệ thuật.
“Kỷ niệm về mái trường xưa” là khúc ca trữ tình cảm động của người chiến sỹ ra mặt trận, chia tay người yêu là cô giáo ở hậu phương. Toàn bộ bài thơ được hình dung rõ ràng, trong sáng, theo trật tự tuyến tính thời gian chặt chẽ. Bài thơ được bố cục đóng mở với hai nhân vật chính (nhân vật chữ tình) là Anh – Người chiến sỹ và Em – cô giáo. Họ yêu nhau và phải chia tay bên mái trường, một không gian giàu sức liên tưởng và suy tưởng.
“… Anh phải ra đi
Cùng đồng đội đến chiến trường Xăm- đéc”
Từ đây, mạch thơ được tuôn trào theo nguyên lý của “dòng ý thức”. Thời gian vật lý trong bài thơ chuyên chở sự kiện, hành động của toàn bộ thế giới, nhân vật và hình tượng nghệ thuật thật tươi đẹp trước giông bão của lịch sử – lịch sử của dân tộc cũng là lịch sử của cá nhân. Họ chia tay nhau không hề ủy mị, mà bằng sự thức tỉnh của chí tuệ và lý tưởng cao đẹp phụng sự tổ quốc – phụng sự nghĩa vụ Quốc tế cao cả.
Đan xen vào thế giới nghệ thuật là những khúc ngoại đề trữ tình thẩm thấu vào cả sự vật thế giới bên ngoài luôn tươi mới có hoạt động con người thuộc về thế hệ tương lai:
“Ve tấu nhạc trên hàng cây phượng
Trong sân trường ríu tít tiếng em thơ”
Mạch cảm xúc chuyển động hết sức nhuần nhuyễn. Từ thời gian vật lý giông tố nổi lên được nhìn bằng thời gian tâm lý đã trở nên êm ả dịu hiền theo những đoàn quân đi trong nắng ban mai.
Nhân vật em – Cô giáo xúc động từ cấp độ nghẹn lời không nói đến lặng nhìn- lệ chan chứa. Ngôn ngữ của tình yêu được nhấn mạnh vào hình ảnh đôi mắt, bằng sự tĩnh lặng của tâm hồn, cái tĩnh lặng của tâm hồn là nét nghệ thuật của mỹ học phương đông chi phối hoàn toàn tự nguyện và vô thức trong tác phẩm nghệ thuật của Bành Thanh Bần.
Tác giả sử dụng thủ pháp nghệ thuật truyền thống để đặc tả đúng cái thần của nhân vật Em – cô giáo trong trạng thái cảm động nhất, cũng là hành động con người nhất. Sự kiện luôn tạo nhịp chuyển cho các lớp ý nghĩa của bài thơ được phóng khoáng chiếu rọi vào các góc độ.

Ngọn lửa ấm lòng – ngọn lửa của quê hương được đun húc từ truyền thống quật cường của dân tộc đã soi đường, thấu tỏ về ý thức công dân cao cả.
Hành động cũng như sự liệt kê trong văn bản nghệ thuật ngôn từ được đẩy đến tận cùng cảm xúc thương yêu mãnh liệt của tình yêu lứa đôi gắn chặt vào câu thơ:

“ Xiết chặt môi em nụ hôn dài từ biệt
ấm trong lòng ngọn lửa của quê hương”

Hành trình của câu chuyện tưởng chừng đến đây là kết thúc. Song với thủ pháp “ motage” (lắp ghép), từ nột điểm nhìn khác, nhà thơ Bành Thanh Bần một lần nữa lại gây bất ngờ và hứng thú cho bạn đọc. Bối cảnh thực và không khí của bài thơ hiện lên sống động – chính là con người luôn là trung tâm vượt thoát lên mọi tác động ngoại cảnh- đó là:

“ Trong sân trường ríu rít tiếng em thơ…”
“Anh ra đi em sẽ đợi chờ…”

Và âm thanh vang động trên các tuyến đường hành quân của đồng đội.
Từ nhiều điểm nhìn khác nhau, đã tạo nên phản ứng thẩm mỹ tích cực. Sự vật, thế giới bên ngoài luôn đẹp, thoáng rộng với những mặt biển ngọc và bầu trời xanh ngời sắc mây. Thời gian tâm lý trong bài thơ như một mạch ngầm liên tục phát ra các trường nghĩa giàu tính biểu cảm.

Nhân vật Anh – chiến sỹ trước khi ra trận thật lạc quan, thấy cuộc đời này đẹp giàu chất thơ. Phẩm chất người chiến sỹ ở phân đoạn/ lớp ngôn từ nghệ thuật này được tác giả xử lý rất khéo léo tự nhiên mà không “lên gân”, cứ như vậy, nó thấm sâu, thấm nhẹ vào trường liên tưởng của người đọc theo mạch cảm xúc phức hợp:

“Nắng đã hừng trên những nhành cây
Soi mắt em sắc bừng hoa phượng đỏ”

Hình ảnh đôi mắt là điệp khúc mạnh mẽ âm vang trong toàn bộ bài thơ tạo nên sắc độ tươi sống của bức tranh đời sống và hiện thực, vừa lãng mạn:

“Đôi mắt em mênh mang như mặt biển
Rất đỗi dịu hiền…”

Biểu tượng đôi vừa là ngữ pháp của bài thơ, vừa là điểm nhấn nghệ thuật chứa đựng một đời sống tinh thần phong phú của thế giới nhân vật trong tác phẩm nghệ thuật. Cấu trúc của bài thơ là sự tác động thâm nhập của thời gian vật lý và thời gian tâm lý, trên trục ngang là sự vật, và nhân vật phụ trợ đối thoại làm bật lên độ đằm sâu ý nghĩa của cuộc tình – nhân vật chủ thể chi phối bài thơ.
Vượt lên tất cả là tấm lòng – là một tình yêu trong sáng. Giọng thơ anh thấm đẫm tình cảm tri ân với quê hương:

“Đi chiến trường với niềm vui rạng rỡ
Ta không chỉ yêu màu xanh của quê hương xứ sở
Còn yêu bầu trời chang chói trời mây!”

Trong phạm vi rộng lớn hơn tình cảm đó được dâng lên thành cao trào, thể hiện tình yêu lứa đôi và tình yêu Tổ Quốc – cộng đồng là một nhưng được nhìn từ các điểm khác nhau của sự rung động sâu thẳm tâm hồn đến sáng tạo nghệ thuật:

“Mối tình nhen lên
Tổ Quốc thân yêu
Trời xanh êm ả”
Cảm xúc lãng mạn và cảm xúc hiện thực trong “ Kỷ niệm về mái trường xưa” tạo thành thế giới nghệ thuật đa chiều.
Tổng hợp các chiều kích nghệ thuật đó được đặt trong một không gian hiện thực – “ngôi trường”, tác giả thật am hiểu về hệ thống biểu tưởng văn hóa. “Mái trường” đã trở thành siêu biểu tưởng trong thơ ca- “ Kỷ niệm về mái trường xưa” là một biểu tưởng văn hóa được xem như không nghệ thuật để nhà thơ Bành Thanh Bần triển khai tư tưởng nghệ thuật.
Từ không gian “ Ngôi trường – Mái trường” đó thường xuyên ám ảnh, nhắc nhở về một ngôi trường mà mỗi cá thể – Người – trở lên trưởng thành, hoàn thiện nhân cách đều có sự chi phối tích cực của môi trường giáo dục xã hội. Các cá thể mình. Thông qua các tác phẩm nghệ thuật, Bành Thanh Bần vừa thể hiện được ký ức hào hùng một thời, một thủa “ một thời trai”, đồng thời phát biểu gián tiếp quan điểm thẩm mỹ nghệ thuật luôn hướng tới những giá trị văn hóa bền vững của “Kỷ niệm về mái trường xưa”./.


Nguyễn Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét