Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

Nét tương tư qua bức ảnh mỹ nhân

Ảnh minh họa

“ Tương tư là trạng thái” rung động một chiều trong tình yêu lứa đôi. Hành vi tương tư là biểu hiện của nhân cách văn hoá – Người ( chỉ xuất hiện ở con người). Tương tư đã trở thành “Siêu ý niệm” trong hệ thống biểu tượng và văn chương/ thơ ca nghệ thuật. Đề tài tương tư được các thi nhân khai thác rất sâu sắc trong nhiều cung bậc của tình yêu lứa đôi. Bài nào cũng hay, cũng xúc động, để lại dấu ấn thẩm mỹ bền vững trong cảm quan tiếp nhận văn chương/ thơ ca của người đọc.

Nhà thơ Bành Thanh Bần lựa chọn đề tài tương tư chừng “ cổ điển” khó mà vượt qua các bậc thi nhân trong lịch sử thi ca. Đề tài tương tư được nhà thơ khai thác ở nhiều chiều cạnh gián tiếp của hình tượng nghệ thuật – Mỹ nhân qua một bức ảnh chân, mà điều đáng nói là từ điểm nhìn cá nhân (người) nhà thơ mở rộng trường liên tưởng về không gian văn hoá – lịch sử thiêng liêng trong tâm hồn Việt Nam, đó là xứ Huế – Thần Kinh, Huế mơ mộng, Huế anh hùng.
Trong thời gian tĩnh lặng, tác giả đã tả nhân vật “chủ động tiếp cận” mỹ nhân qua bức ảnh chân dung nghệ thuật:

“Đêm đêm ngồi ngắm ảnh em
Ngỡ Từ Thức lạc động tiên thủa nào
Lời xưa: Sắc bất ba đào….
Ta người bị đắm thứ bao nhiêu rồi”.

Hình ảnh mỹ nhân được khúc xạ qua con mắt tinh đời của nhà thơ, qua bức ảnh chân dung nghệ thuật, làm cho nhân vật “thực” choáng ngợp, gợi nhớ về miền cổ tích, miền tư duy Folklore. Đó cũng là tình cảm trong sáng của bậc trí thức trong tâm hồn nhà thơ làm cho câu thơ vừa nhẹ nhàng, song lại sâu về chất văn hoá, văn học dân gian của chuyện thần tiên Việt Nam thời trung đại.
Từ không gian, thời gian thực (đêm, đêm), khi có sự xuất hiện của nhân vật “ảo” trong bức ảnh, làm toàn bộ không gian, thời gian hiện thực bừng sáng kỳ ảo (Động tiên, Từ thức). Câu thơ tuy đơn giản ở tiết tấu, vần điệu song sức nặng chính là chiều sâu văn hoá tâm linh được làm sống động thánh thiện. Làm cho thế giới nghệ thuật của Bành Thanh Bần trở thành thế giới của cõi tiên, thoát tục, thế giới của cái đẹp tràn ngập văn cảnh. Sức lan toả như một toà cấu trúc âm vang về ngôn từ ở chiều sâu văn bản/ tác phẩm nghệ thuật.
Khi bừng tỉnh trường đoạn cảm xúc trữ tình lãng mạn, thế giới nhân vật lại trở về đời thường với những chiêm nghịêm dân gian đậm chất tư duy của nho học thâm hậu, quả thật cổ nhân dạy thật có lý:( Sắc đẹp không có sóng gió làm đắm người)

Nhân vật “thực” trong “tương tư” luôn làm chủ được cảm xúc để nhận biết cái đẹp chân chính – biểu tượng của cái đẹp mang hơi thở thời đại sâu sắc. Với ba hình tượng (khuôn trăng, ánh mắt, nụ cười), thế giới nhân vật của nhà thơ Bành Thanh Bần hiện lên vẻ đẹp của con người với những nét đặc tả của mỹ học/ thi pháp phương Đông (tả thần). Và được đặt trong quan hệ đối sánh với biểu tượng của cái đẹp mang tính bền vững (khuôn trăng).
Cái đẹp của giai nhân xứ Huế qua một bức ảnh nghệ thuật được khai thác và nén chặt trong tổ hợp ngôn từ nghệ thuật tài hoa của tác giả Bành Thanh Bần. Cấu trúc của bài thơ được chuyền mạch tạo lên tầng nghĩa mới:
Hoa hậu ngắm chắc ngây người vì ghen
Cổ ba ngấn
Sợi dây truyền
Kẻ nào đã “xích xiềng” em!
Đúng là vẻ đẹp thời hiện đại, không phải “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”, mà chính là các “Hoa hậu” cũng phải ghen.
Vẻ đẹp của mỹ nhân xứ Huế – Thần Kinh luôn hiện lên nét đẹp thuần khiết Việt Nam với những tiêu chí (cổ kiêu ba ngấn, miệng như hoa, tóc buông như suối Thiên Thai). Trong vẻ đẹp thánh thiện đó luôn có ngưỡng mộ, thán phục trong mối tương quan của đối thoại (Sợi dây truyền/ Kẻ nào đã xích xiềng em!).
Từ vật trang sức tao nhã của người đẹp, nhà thơ đã mở rộng suy tưởng chủ đạo của bài thơ bằng mệnh đề “nghi vấn” – em đã thuộc về sở hữu của ai? Tuy nhiên trong bài thơ “Tương tư” tác giả đã dùng ngôn từ trần trụi, mạnh mẽ (ngôn từ tiêu dùng) giầu chất đời sống (Kẻ nào đã xích xiềng em!). Khổ thơ dừng lại đó để nén chặt tầng nghĩa tạo sinh của văn bản/tác phẩm nghệ thuật để tạo ra tầng nghĩa tạo sinh ngoài văn bản – nghệ thuật. Làm cho khổ thơ. tứ thơ linh hoạt.
Bằng bút pháp mô tả cận cảnh đã tác động mạnh mẽ vào cảm quan người đọc ở cấp độ cao hơn và trần trụi hơn, con người cũng đời thường hơn (ở chiều cảnh ham muốn bản năng).
Từ dấu hiệu đến ký hiệu của bức ảnh cho thấy trạng thái hoạt động của người đẹp xứ Huế (người ảo) là bút pháp tả thần (ánh mắt nụ cười) đến tả chân:

Tóc buông như suối Thiên Thai
Vắt trên “ghềnh thác” bờ vai nõn nà
Tay em hai búp vin hoa
Còn bông trước ngực tay ta tần ngần.

Đó cũng là bút pháp linh hoạt của Bành Thanh Bần đã chỉ rõ, cảm xúc, điểm nhìn của nhân vật chủ động. Nhân vật “thật” đang tri giác, soi ngắm nhân vật “ảo” trong bức ảnh chân dung nghệ thuật.
Nhân vật trong thế giới nhân vật của nhà thơ Bành Thanh Bần từ choáng ngợp, ngưỡng mộ mỹ nhân ở cấp độ thần tiên đó là sự chuyển hoá, vận động cảm xúc tâm lý từ con người xã hội sang con người sinh học (bản năng, ham muốn). Thông qua hình tượng bông hoa trước ngực người đẹp “ảo”, lại một lần nữa tác giả sử dụng hệ thống hình tượng búp để lột tả cái đẹp (người đẹp, ánh trăng đẹp, bông hoa đẹp).
Hình ảnh bông hoa trước ngực vừa gợi cảm, vừa là biểu tượng của cái đẹp nghiệm sinh hơn hình tượng của cái đẹp mang cảm quan vũ trụ (ánh trăng) làm con người thán phục. Còn biểu tượng của cái đẹp gần gũi với đời sống (…) – bông hoa (thực và ẩn ngữ) làm con người nảy sinh ham muốn sở hữu….
Nhưng khổ thơ kết bài dừng lại ở cấp độ cảm xúc tâm lý thông thường rất đẹp của con người (tay ta tần ngần / Thẫn thờ trước ảnh mỹ nhân).
Ham muốn đó chỉ nảy sinh trong tư tưởng mà chưa có biểu hiện hành động thực tế làm cho ý tưởng chủ đạo của toàn bài thơ bừng sáng vẻ đẹp của tình người, mà cao hơn là cái tâm của nhà thơ Bành Thanh Bần.
Khát vọng chân chính được biểu đạt hết sức bất ngờ và cũng là đóng lại bài thơ “Bao giờ được gặp một lần Huế ơi!”.
Từ bức ảnh mỹ nhân nghệ thuật của mỹ nhân xứ Huế – Thần Kinh, tác giả liên tưởng và khao khát được một lần đến Huế để chiêm bái. Bài thơ khép lại, nhưng tình cảm lại mở ra ở một tầng nghĩa tạo sinh giàu triết lý nhân sinh./.

Nguyễn Văn Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét